Monday, October 15, 2012
Tin Nông nghiệp Việt Nam 02
Hiệp hội Lúa gạo ASEAN: Vì đâu Việt Nam ra rìa?
TIN NÔNG NGHIỆP 02. Xét về góc độ kỹ thuật, tài nguyên, quảng bá tiếp thị và cả giống lúa thì trong cuộc chơi với “hội đồng bộ ba” này, tương lai hạt gạo Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 1-10 vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin các doanh nghiệp ba nước Philippines, Myanmar, Thái Lan vừa thành lập hiệp hội lúa gạo để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á, hướng đến các thị trường lớn như Indonesia, Trung Quốc… Tại sao Việt Nam “vắng mặt” trong hiệp hội này dù Việt Nam đã vươn lên giành vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo với sản lượng đạt 4,6 triệu tấn tính đến thời điểm nửa cuối tháng 8-2012.
Dù cách đây hơn một tháng, tờ báo Bangkok Post (Thái Lan) đưa tin bộ trưởng thương mại của năm nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ ký thỏa thuận thành lập Hiệp hội Gạo ASEAN trong sáu tháng cuối năm 2012 nhưng dường như hiện nay Việt Nam đang “ra rìa” trong cuộc chơi OPEC lúa gạo ASEAN - cuộc chơi mà theo Giám đốc điều hành Công ty Agrow Enterprise ở Bangkok Chiaki Furi nhận định rằng cần phải có sự góp mặt của Việt Nam.
Thái Lan lơ Việt Nam để trở thành “đầu tàu”
Có ít nhất ba giả thuyết được đặt ra trước một hiệp hội lúa gạo “phi Việt Nam” của ba nước khu vực ASEAN.
Thứ nhất, Thái Lan có thể là “đầu tàu” của hiệp hội lúa gạo lần này. Việc Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành “cường quốc xuất khẩu gạo” số một thế giới vào nửa cuối tháng 8 vừa qua khiến Thái Lan không khỏi lo ngại. Đó là chưa kể vị thế xuất khẩu gạo Thái Lan giảm đáng kể khi nước này tụt xuống thứ ba thế giới, với 4,36 triệu tấn. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên, theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Korbsook Iamsuri, là do chính sách trợ giá gạo cho nông dân của chính phủ Thái Lan khiến quốc gia này không thể giải tỏa gạo trong kho nhằm đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu liên chính phủ trong bối cảnh các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ có thể cung cấp một số lượng lớn gạo với giá rẻ hơn. Đó là chưa tính đến việc Việt Nam đang tiến hành xuất khẩu tập trung “phân khúc thị trường chất lượng cao”, khi gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam có lúc chiếm đến 60% thị phần Hong Kong (Trung Quốc), thay thế Thái Lan. Trên thị trường thế giới, tính đến hết tháng 5-2012, thị phần gạo thơm và cấp cao Việt Nam chiếm 35%, đạt 40,4 triệu USD. Điều này xuất phát từ chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện trong khi giá gạo Việt Nam mang tính cạnh tranh hơn gạo Thái Lan.
Trong bối cảnh đó, ngày 9-9 Hiệp hội Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã “đánh động” chính phủ về tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu bắt nguồn từ lượng gạo tồn kho, và hơn nữa là những quan ngại về thương hiệu gạo Thái Lan trước một Việt Nam đang vươn lên nhanh chóng. Trước đó khoảng một tuần, tờ Bangkok Post dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Prasit Boonchoey, bày tỏ ý kiến phản đối việc hợp tác sản xuất lúa gạo Việt-Thái bởi lo ngại Thái Lan “dẫn đàn đi buôn” bởi gạo Việt có thể vượt mặt gạo Thái không chỉ về số lượng như hồi tháng 8-2012 mà còn về cả thị phần gạo chất lượng cao. Việc “đầu tàu” trong hiệp hội lúa gạo sẽ giúp Thái Lan tìm được những hợp đồng “cứu cánh” cho lượng hàng tồn kho hiện tại, lấy lại vị thế cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Thế nên, nếu quả thực Thái Lan là “đầu tàu” cho hội liên hiệp lúa gạo Thái Lan, Philippines, Myanmar kỳ này, thì việc “làm lơ” Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu chỉ có một Thái Lan thì chưa thể quyết định cho cả một hiệp hội lúa gạo khu vực. Yếu tố Philippines cũng cần được xem xét, nhất là trong thời gian gần đây Philippines có những “va chạm” trong những hợp đồng nhập khẩu gạo Việt Nam và nước này đang nuôi tham vọng không nhập khẩu lúa gạo vào năm 2013. Năm 2011, chính phủ Philippines “mở màn” động thái cho phép khu vực tư nhân chiếm nhập khẩu gạo với sản lượng lớn, đạt mức 650.000 tấn trên tổng 850.000 tấn của cả nước. Trong năm này, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines có lúc phải “thua đau”. Rất nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines phải hủy giữa chừng do sự yếu kém trong quá trình đàm phán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với các thương lái Philippines. Điều này khiến uy tín doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng do tính thiếu chuyên nghiệp, không chu đáo trong quá trình đàm phán.
Mặt khác, sự yếu kém trong việc quản lý tài chính của các thương nhân Philippines khiến họ chỉ mua được một lượng gạo rất nhỏ từ doanh nghiệp Việt Nam bởi rất ít ngân hàng chịu mở L/C cho thương nhân Philippines. Điều này khiến doanh nghiệp Việt, trước một nhu cầu xuất khẩu cao, trở nên thiếu “mặn mà” với thị trường này. Năm 2012, chính phủ Philippines chính thức quyết định cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu toàn bộ lượng gạo trong bối cảnh những bài học thấm thía cùng những khó khăn tồn đọng năm 2011 chưa được giải quyết triệt để khiến quan hệ thương mại gạo Việt Nam - Philippines vẫn còn nhiều trở ngại cho cả hai bên. Trong khi đó, đầu tháng 8-2012, Thái Lan đã tiến hành đàm phán về tăng lên hơn 100.000 tấn gạo trong hạn ngạch xuất khẩu vào Philippines khi Philippines muốn duy trì biểu thuế nhập khẩu gạo cao 40% đến năm 2017. Thế nên, khi các doanh nghiệp Philippines tiến hành ký kết tham gia hiệp hội lúa gạo, việc “lỡ quên” Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bỏ lỡ cơ hội với Myanmar
Về nhân tố Myanmar, chỉ có một giả thuyết đặt ra là Việt Nam đã… chậm chân trong chính sách. Đã có các gợi ý “Liên minh lúa gạo Việt Nam - Myanmar: Tại sao không?” và cả các cảnh báo “đừng để trâu chậm uống nước đục” được báo chí đưa ra trong bối cảnh chính phủ Myanmar tiến hành các cuộc cải cách “phi màu sắc”. Tiềm năng của quốc gia từng được mệnh danh là “Chén cơm của châu Á” trong một thời gian dài xuất phát từ những tiềm năng tự nhiên đã được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin Việt Nam. Thậm chí, không ít các nhà đầu tư đã đến quốc gia này để tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Nhưng nếu nhìn ở cấp độ chính phủ, Việt Nam dường như chưa quyết liệt trong việc đưa ra các chính sách hợp tác nhằm tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp trời phú. Chính TS Võ Hùng Dũng, ngay từ đầu năm 2011, đã cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với Myanmar trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Theo đó, Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp của Myanmar để đầu tư kinh nghiệm, nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao quy trình sản xuất, nâng cấp công nghệ... Ông Hùng còn gợi ý: “Chính phủ cần hỗ trợ để các nhà nông học, các nhà kinh tế tham gia các hoạt động tư vấn cho Myanmar, khu vực tư nhân sẽ tham gia khi môi trường kinh doanh thuận lợi”. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, Việt Nam dường như còn dè dặt và chưa có nhiều động thái đáng kể. Việc chính phủ không mạnh tay đầu tư “mở đường” khiến khu vực tư nhân “thiếu ánh sáng” cơ hội. Và trong trường hợp này, Thái Lan, Philippines đã làm tốt điều đó.
Hãy thử vẽ viễn cảnh của gạo Việt Nam khi hiệp hội gạo ba nước Thái Lan, Philippines và Myanmar hoạt động thành công. Khi đó, “bộ ba quyền lực” này, với những lợi thế so sánh trong đầu tư (Thái Lan cung cấp dịch vụ tiếp thị toàn cầu, Philippines cung cấp công nghệ và giống lúa, Myanmar có vai trò cung cấp đất và tài nguyên) sẽ tạo nên một OPEC lúa gạo thực sự, có khả năng chi phối giá gạo và ảnh hưởng an ninh lương thực trong khu vực và cả thế giới. Xét về góc độ kỹ thuật, tài nguyên, quảng bá tiếp thị và cả giống lúa thì trong cuộc chơi với “hội đồng bộ ba” này, tương lai hạt gạo Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở vấn đề: phân khúc thị trường kém hơn, sản lượng gạo thấp hơn, thị trường xuất khẩu truyền thống (Philippines, Trung Quốc, Indonesia…) giảm dần, vị thế gạo Việt Nam thấp dần (do Thái Lan phục hồi)… mà giá gạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tất nhiên khi đó, tương lai của người trồng lúa, thương nhân và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ còn “lận đận” hơn hiện nay.
ĐỖ THIỆN
(Báo Pháp luật)
Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC
FOOD CROPS NEWS
FOOD CROPS
FOOD CROPS.VN
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment